Sức khỏe tâm lý & Chữa lành

LÝ GIẢI BẢN CHẤT THỰC SỰ CỦA CHÚNG TA


Bằng tất cả niềm yêu thương và tình yêu dành cho cuộc sống này…

——-👩‍❤️‍👩——–

Ở những thời điểm hoang mang trong quá khứ, có nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình lại như vậy? Tại sao cuộc sống bất công quá vậy? Tại sao tôi lại đau khổ như vậy? Tại sao ai cũng may mắn, chỉ mình tôi phải bất hạnh? – Tôi đã từng để bản thân bị nhấn chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, cũng có lúc tự phá hủy bản thân bằng việc hận thù một ai đó, tôi đã từng ngốc nghếch như thế, trở thành con rối cảm xúc bị điều khiển bởi những mù quáng trong mê cung cuộc đời mà không biết rằng tất cả những thứ đang diễn ra đó chính do tôi là người tạo ra. Bởi, lúc đó, tôi chưa ý thức được bản chất thực sự của mình 🙂

Một bậc thầy tâm linh đã nói:

“Tất cả những gì chúng ta thực sự là đó là tình yêu, sự bình yên, sự thông thái và cả sức mạnh để tạo ra ảo ảnh rằng chúng ta không phải những điều đó” – Jack Pransky

Tôi thấy rất hiếm người nhận ra được ảo cảnh xung quanh họ. Đó chính là hệ quả của sự giáo dục không đúng cách từ gia đình và nhà trường từ khi chúng ta bắt đầu học cách nhận thức về thế giới. Ông bà cha mẹ chúng ta thường dạy: “Con trẻ không được cãi lời cha mẹ!” (Vâng, cho dù đúng hay sai thì chúng ta chỉ được phép nghe, không được phép cãi) hay “Đứa trẻ không nghe lời là đứa trẻ hư!”; Một số bậc phụ huynh đề cao thành tích “Con phải học cho bố/mẹ, phải được học sinh giỏi, phải được giải nhất, nếu không sau này chỉ có nước làm ăn mày, làm đứa vô dụng”, “cá không ăn muốn cá ươn, con không nghe mẹ trăm đường con hư”, ..vv… Tôi thấu hiểu tấm lòng của các bậc cha mẹ, ai cũng mong muốn con của mình sau này thành đạt. Cái mong muốn ấy hóa thành nỗi lo sợ khi nhìn thấy đứa trẻ nhà mình không chịu cầm sách đọc mà chỉ biết chạy nhảy suốt ngày với lũ trẻ trong xóm hay khi phát hiện điểm toán của trẻ nhà mình không bằng đứa trẻ nhà bên. Cứ thế cứ thế nỗi lo lắng ấy ngày qua ngày biến thành sự ám ảnh khiến họ ngày đêm sát sao bài vở của con, bắt nó học nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn cho đến khi nào điểm toán của nó phải hơn đứa trẻ kia và kia nữa. Một sự thật họ không nhận ra rằng: CÓ THỂ CON BẠN KHÔNG GIỎI TOÁN BẰNG ĐỨA TRẺ KIA, NHƯNG NHỮNG BÀI VĂN CỦA NÓ LẠI VÔ CÙNG SỐNG ĐỘNG VÀ XUẤT SẮC – ĐIỀU MÀ ĐỨA TRẺ KIA CHƯA CHẮC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC.

Thật hạnh phúc biết bao nếu mỗi bậc phụ huynh trước khi đưa ra một quyết định gì đó cho đứa con của mình, hãy hỏi chúng: “Con thích điều gì?” và thật tuyệt vời biết bao nếu như các bậc cha mẹ có thể là cánh buồm đưa ước mơ của con mình ra khơi, là tổ ấm cho chúng trở lại nghỉ ngơi mỗi khi mệt mỏi chứ không phải là xiềng xích trói chặt đôi cánh của con trẻ.

Chỉ đưa một vài ví dụ lên đây mà tôi đã cảm thấy vô cùng khó chịu, vậy nếu đặt vị trí bản thân vào những người đang trực tiếp lắng nghe những điều đó từ phụ huynh của mình, các em sẽ cảm thấy thế nào đây? Kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về việc học tập tốt, về các chuẩn mực xã hội vô hình chung đã đẩy con người vào một vòng xoáy tranh đua không lối thoát, biến họ thành những con rối không có ý thức chỉ biết điên cuồng đuổi theo mục tiêu của mình (hay đúng hơn là của người khác áp đặt lên mình mà có khi chính bản thân họ cũng không biết). Không phải tự nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người chỉ sau tim mạch, đặc biệt tình trạng trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ. Việc chìm đắm trong ảo cảnh “hiện thực” khiến cho nhiều người phải hứng chịu những tổn thương sâu sắc về tinh thần. Mà tất cả những điều đó xuất phát từ làn sóng của chủ nghĩa ích kỷ “Ép người khác phải sống theo ý mình”. Nguyên nhân nào khiến những điều khác biệt bị gọi tên với một cụm từ không mấy vui vẻ “cá biệt” hay những đứa trẻ mang bản sắc riêng lại bị nói là “cá tính” một cách đầy định kiến? Không phải ai cũng có thể nhận ra một sự thật rằng: “Tất cả chúng ta đều đang bị tước đoạt đi quyền được tự yêu bản thân, được làm những điều mình muốn, được sống một cuộc sống đúng nghĩa của mình, được là chính bản sắc của mình”. Bạn không giỏi toán, nhưng bạn lại có năng khiếu viết văn; cả văn và toán đều dở? – vậy bạn không nhận ra bản thân có năng khiếu về hội họa sao? Bạn không xinh bằng cô ấy, nhưng bạn có một đôi mắt biết nói, nét dễ thương của bạn có thể làm bao chàng phải điêu đứng. Phải, có thể bạn không mạnh mẽ, nhưng bạn có đủ sức mạnh để nắm lấy tay một ai đó khi họ sắp gục ngã. Bạn không phải là những gì người khác nói về bạn, bạn cũng không phải là bộ quần áo đang khoác trên người, không phải là kiểu tóc bạn đang có hay khối tài sản bạn đang sở hữu. Bạn là ý thức tồn tại phía sau tất cả những vỏ bọc đó, là tình yêu, sự bình yên, sự thông thái và cả sức mạnh quyết định mọi thứ diễn ra trong thế giới của mình. Tất cả chúng ta đều là những tạo vật hoàn hảo của tạo hóa. Tất cả những ưu khuyết dưới góc nhìn hạn hẹp chính là những sự tồn tại hoàn mĩ nhất trong vũ trụ, bạn hay tôi đều là hiện thân của đấng sáng tạo dưới vùng trời xinh đẹp này.

Ý thức được bản chất thực sự của mình, bạn sẽ tìm thấy đáp án cho những câu hỏi: Chúng ta đến với thế giới này vì mục đích gì; Những trải nghiệm đã qua đã mang đến cho chúng ta điều gì; Chúng ta đang ở đâu trên hành trình của mình và làm thế nào để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa?

Hãy bắt đầu bằng việc luyện tập ý thức quan sát bản thân, những dòng suy nghĩ và cảm xúc đến và đi với mình, chỉ cần quan sát và không phán xét những trải nghiệm đó. Cảm nhận cái sự quan sát đó. Cái ý thức đang quan sát tất cả đó chính là bản chất thật sự của bạn chứ không phải cái tôi, cái danh tính bề mặt được cấu thành bởi niềm tin của bạn về việc ” tôi tên gì, tính cách của tôi thế nào, hình dáng của tôi ra sao, địa vị, bằng cấp, các mối quan hệ, quá khứ, những gì tôi đã làm, những gì người khác đã làm với tôi…”. Khi đánh đồng bản chất của chúng ta với “cái tôi bề mặt” đó, chúng ta không là gì ngoài một khái niệm, định nghĩa tự tạo ra, cái mà chỉ là một illusion, một ảo ảnh và trong trạng thái đó, phần lớn thời gian, chúng ta chỉ sống một cách vô thức, bị chi phối, chịu ảnh hưởng bởi những điều kiện và những lập trình – chị Linh (Bảo Bình Tarot, một healer tuyệt vời) giải thích.

Việc ngừng đánh đồng bản thân với danh tính mà mình tin vào bấy lâu nay (cơ thể, kí ức, suy nghĩ, cảm xúc… của mình) có thể đưa chúng ta về gần với bản chất của mình, giải phóng những suy nghĩ bị ràng buộc bấy lâu nay, tự do trong những trải nghiệm, nhìn nhận lại đứa trẻ bên trong và chữa lành những tổn thương trong quá khứ. Đối diện với bản thân một cách rõ ràng nhất – Tôi đã may mắn có được trải nghiệm đó nhờ những người thầy cuộc sống.

CÒN BẠN THÌ SAO? BẠN ĐÃ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ CHƯA? BẠN ĐÃ LÝ GIẢI BẢN CHẤT THỰC SỰ CỦA CHÍNH MÌNH CHƯA?

Hoàng Quyên

2 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!